Phân trùn quế có nhiều loại, được phân loại theo độ ẩm, tạm chia thành phân trùn quế ẩm và phân khô. Vậy chúng ta nên dùng loại phân nào, vào thời kì nào của cây trồng, sử dụng cho loại cây trồng gì thì phù hợp, đạt hiệu quả, tiết kiệm chi phí? Hôm nay chúng tôi xin chia sẻ về các loại phân trùn quế, cách sử dụng phân trùn quế (phân hữu cơ) đúng cách, hiệu quả, tiết kiệm chi phí để bà con có thể ứng dụng trên vườn của mình.
Hiện tại trên thị trường có các loại phân trùn quế ẩm (70- 85%), phân trùn quế khô (phân có độ ẩm 50%, 40%, 30% ). Về cơ bản các loại phân này giống nhau, khác nhau về hàm lượng, nồng độ vi sinh, dinh dưỡng khoáng, mùn hữu cơ, độ ẩm, độ mịn, tính chất bên ngoài.
Phân trùn quế ẩm (70-85%) có nồng độ vi sinh cao, hàm lượng mùn cao (acid humic) có tác dụng cải tạo đất, cung cấp mùn hữu cơ cho đất, dinh dưỡng khoáng cho cây trồng. Giá thành hiện tại phân trùn ẩm khoảng 2500- 3000 đồng/ kg. Phân trùn quế ẩm đạt hiệu quả cao khi bót lót cho cây hạ bầu (trộn chung với đất trước khi trồng) vì hàm lượng vi sinh cao, chất mùn hữu cơ nhiều, giữ nước tốt, giữ độ ẩm cho đất và tiết kiệm chi phí so với phân trùn quế khô.
Phân trùn quế ẩm được sử dụng cho cây công nghiệp (cà phê, tiêu, chè, điều, ca cao..), cây ăn trái (họ cây có múi, xoài, thanh long), lúa,… Ta có thể bón 1 tấn phân trùn quế ẩm cho 2- 3 ha lúa ( trước khi xạ, trước khi trục), 300- 500 gốc cây (công nghiệp, ăn quả). Nhưng vì phân ẩm dễ vón cục, nén cứng nếu chỉ rãi xung quanh gốc cây và một số bị vón cục nằm trên bề mặt vài ngày sau sẽ bị khô cứng và nằm đó dài lâu. Vì vậy chúng ta nên trộn chung với đất, phủ lớp thực vật (rơm rạ, vỏ trấu, lá cây…) hoặc pha nước để làm tan phân trước, rồi khi phân thấm đều trong đất giúp hệ vi sinh vật hoạt động tốt nhất hoặc có thể lên men để tăng gấp bội lượng vi sinh có lợi (bà con hãy đọc bài tiếp theo để xem cách lên men tiết kiệm, hiệu quả cao).
Cách này chúng ta có thể tốn nhiều công sức nhưng tiết kiệm phân bón và hiệu quả về công dụng sản phẩm, vì chúng ta muốn sử dụng hàng giá thấp tiền nên phải chịu khó nhiều hơn về công sức để bón, phân trùn quế chúng ta chỉ nên làm môi trường để cải tạo đất trồng, vì giá thành sản phẩm khá cao, nên nếu dùng để cung cấp dinh dưỡng sẽ bón rất nhiều và không hiệu quả về chi phí.
Phân trùn quế khô đã được chế biến và được sàn tơi mịn, bà con mua về chỉ việc rãi đều xung quanh gốc cây và khi tưới nước phân tự động thấm xuống đất, cải tạo đất, cung cấp dinh dưỡng khoáng cho cây trồng. Thường sau khi bón bà con nên tưới nước liên tục để vi sinh có thể hoạt động tốt nhất, tăng hiệu quả. Hiện nay giá trị trường của phân trùn quế khô khoảng 5- 6 nghìn đồng/ kg, tùy thuộc độ ẩm, số lượng mua.
Các loại phân trùn quế khô (có độ ẩm 50%, 40%, 30%) về cơ bản là giống nhau, có nồng độ dinh dưỡng khoáng cao, dễ sử dụng, khác nhau về độ ẩm nên bón tùy thuộc loại cây trồng. Phân trùn quế có độ ẩm 50% cải tạo đất tốt, phục hồi đất nền. Phân có độ ẩm 40% được sử dụng đại trà, phù hợp tất cả các loại cây, dễ bảo quản. Phân trùn quế độ ẩm 30% bón cho cây với số lượng ít, chuyên bón cho các loại cây cảnh, hoa kiểng, hoa hồng, bon sai, các giống dưa ôn đới, dưa lưới, dâu tây…
Như vậy chúng ta nên sử dụng phân trùn quế để phục hồi đất, cải tạo đất, trả lại cho đất những gì đã lấy đi, chứ không nên mãi khai thác, lấy đi từ đất, rồi đến một ngày chẳng còn gì để lấy nữa. Rồi đất bạc màu, chai cứng, cây trồng năng suất thấp, còi cọc, không còn hiệu quả kinh tế. Phân trùn quế là một trong những lựa chọn tốt để chúng ta cải tạo đất, cân bằng cơ giới đất, canh tác bền vững. Tùy thuộc vào cây trồng, giai đoạn phát triển chúng ta hãy lựa chọn và bón phân đúng cách để đạt hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí, canh tác bền vững. Chúc bà con vụ mùa bội thu !
TQCC
Xem thêm bài viết liên quan
Comments